Tiếc thương trong chiếc hộp

Tôi đã cảm thấy bối rối như thế nào
khi phải lựa chọn những hạng mục
trang trí này

 Năm ngoái, vào ngày đám ma ông nội, tôi đứng trước cửa phòng lạnh nhìn người ta đưa ông ra khỏi ngăn kéo. Hình dáng co quắp y như khi gia đình đưa ông vào xe đi từ nhà tới bệnh viện hai ngày trước đó. Khi còn sống, ông tôi là người cao to hiếm có, trong các bức ảnh chụp với đồng nghiệp, ông có chiều cao nổi bật, mái tóc bạc sớm khiến ông không khác mấy những chuyên viên nước ngoài. Tôi chưa bao giờ thấy ông nhỏ bé như vậy trong chiếc chăn vốn rất quen thuộc, chiếc chăn mà ông đã đắp suốt những năm cuối cuộc đời, trên giường bệnh. Chiếc chăn giữ hơi ấm cuối cùng, cùng ông ra đi vào ngày cuối cùng. Bức ảnh cuối cùng tôi chụp là bàn tay tôi trắng, móng tay đc làm cẩn thận cho một sự kiện sắp tới, nắm lấy bàn tay ông gày gò, tím ngắt. Cả ông và bà đều mong được nắm tay tôi trong ngày tôi lấy chồng, như họ đã dắt tay tôi đi học ngày tôi còn bé, nhưng tôi không làm được điều ấy.

Lúc thím tôi dùng ngón tay quẹt nhẹ chút son người quản trang bôi vội vàng nên đôi môi đã lạnh, mẹ tôi nhét một ít tiền vào trong túi áo, dặn dò ông dùng tiền mà qua đò, gặp bà tôi và những người thân yêu đã mất, chắc cả mẹ và các thím tôi đều không ngờ ông sẽ gặp người anh họ tôi sớm thế. Khi nghe tin anh bị tai nạn mất ngay tại chỗ, trước mắt tôi hiện ra hình ảnh của anh lúc còn sinh viên từ quê ra Hà Nội học. Anh tôi trắng, đẹp trai, vẻ thư sinh ấy chắc chắn có nhiều cô gái theo đuổi, thế mà lâu lâu anh qua nhà ăn bữa cơm, lại xin bố mẹ đưa tôi đi chơi phố. Ngày tháng chưa cũ, tôi nhớ Hà Nội hồi đấy còn ít xe, anh học Đại Học, em học lớp 6, đi xe đạp từ Giảng Võ lên tận hồ Gươm rồi vòng về cho đúng giờ giới nghiêm bố tôi đưa ra. Sau này anh em lập nghiệp, không còn gặp nhau nhiều, mỗi lần gặp anh vẫn hỏi Bao giờ lấy chồng, ánh mắt hấp háy sau cặp kính cận trắng bao năm vẫn không đổi.

Chiếc kính hay chiếc chăn, đều gợi tôi nhớ về những ngày vô tư khi mình chưa biết cái chết là gì. Tôi đã từng từ chối đi đám ma kể cả với những người thân nhất, lần này cũng không ngoại lệ, bởi tôi không chịu được không khí đau buồn ám ảnh. Ngay khi viết những dòng này, ký ức trong tôi về người thân vẫn tươi vui, sống động nhiều tình cảm chứ không cứng đơ như những lời điếu văn. Tôi thà đến thăm anh vào một ngày khác, khi mà tôi được yên lặng tưởng nhớ hoặc nói chuyện thì thầm với anh.

Tôi đọc đâu đó rằng Nỗi buồn khi người thân mất đi không đến ngay, mà nó thường xuyên đến và đi trong tim người sống, trong mỗi dịp quây quần, mỗi bữa cơm ăn, mỗi câu chuyện kể lại. Nỗi nhớ như quả bóng bị giấu trong một cái hộp, có những ngày nỗi nhớ nằm im, có những ngày nỗi nhớ phình lớn thành nỗi buồn, nảy tưng tưng trong hộp, làm cái hộp ngả nghiêng. Nỗi nhớ về ông chưa kịp nguôi ngoai, quả bóng nỗi buồn trong tôi lại bị thổi phồng lên một lần nữa vào ngày hôm nay.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến