Nghi thức cuộc sống

 


Chuyện là sinh nhật, tôi được tặng 3 cái cây. như hình, kèm lời dặn Đừng để cây chết nhé.


Thông thường khi tặng cây cho một người biết chăm cây, người tặng sẽ không chúc như vậy mà thường nói “tớ biết nó sẽ sống tốt dưới bàn tay chăm sóc của cậu” hoặc “thường xuyên chụp ảnh cho tớ xem nhé”. Khi có niềm tin vào người chăm cây, người ta không phải dặn. 



Chỉ riêng lời dặn đó đã cho biết người nhận vụng về đến thế nào. Trên facebook tôi có một người bạn bán cây, trang cá nhân và trang bán hàng của chị xanh mướt mắt. Khi bấm theo dõi, tôi chỉ nghĩ đến việc newsfeed của mình sẽ có thêm một luồng thông tin tươi mới và sẵn sàng mỗi khi tôi có nhu cầu mua cây tặng cho ai đó hoặc thuê cho sự kiện. Bản thân chưa bao giờ có nghĩ đến việc phải chăm sóc một cái cây và cũng chưa bao giờ chăm sóc một cái cây cho ra hồn, tôi nghiêm túc coi đây là một thử thách và mua một cuốn sách đọc ngấu nghiến ngay trong tối hôm đó. Lối viết cho thấy người viết là một tay ngang trót đem lòng yêu cây lá chứ không phải là một nhà thực vật học. Qua lời kể của tác giả, tôi như được dẫn vào một mê cung của một thứ đạo giáo, có kỷ luật, có trách nhiệm, có ràng buộc rõ ràng. Hàng ngày. Mỗi ngày. Một vài điều tôi gạch đầu dòng trong cuốn sổ tay: 

  1. chọn vị trí đặt cây rồi mới quyết định hình dáng cây, loại cây 
  2. mỗi loại cây có đặc điểm khác nhau như độ chịu lạnh của lá, mức độ ưa nắng, mức độ ưa nước
  3. quan sát lá, rễ của cây thường xuyên để cân đối lượng nước tưới và vị trí đặt cây 


Nhìn 3 cái cây đang hân hoan đón nắng, tôi không khỏi nghĩ về những nghi thức cuộc sống xung quanh mình. Nếu coi yêu cây cối là một thứ đạo mà người ta tự tạo ra và nghiêm cẩn chấp hành thì việc tưới cây, bón phân, tỉa lá, trò chuyện với cây, là những nghi thức người ta ràng buộc mình với thứ đạo mình theo đuổi. Nếu yêu hoa tươi là một thứ đạo, thì việc ra chợ mua hoa, sơ chế hoa, cắm hoa, ngắm hoa trở thành nghi thức; nếu coi thị phi trên facebook là đạo, thì mỗi ngày lên mạng viết một bài sớ chửi đứa copy concept của mình là một nghi thức không thể thiếu; nếu coi đọc sách là đạo, thì việc nằng nặc tìm cho được một góc nhỏ yên tĩnh, đủ ánh sáng, gọi cho mình một ly cafe ngon chính là nghi thức. Không phải nghi thức nào cũng phức tạp, chim chóc và các loài động vật cũng có những nghi thức vô cùng bản năng, nghi thức đặc trưng cho giống loài. Giống loài càng phức tạp, nghi thức càng tinh vi và có chủ đích. Nghi thức càng phức tạp, sự thoả mãn và tính ràng buộc càng cao. Trước khi uống rượu vang, chúng ta làm sạch lưỡi bằng một ly nước khoáng. Sau khi làm tình thì dùng khăn. Trước khi bắt đầu một ngày làm việc, chúng ta đi 8km để ăn một bát phở tuyệt ngon. Cuối ngày, đi thêm 8km để đến quán bar quen thuộc, thưởng thức một loại đồ uống yêu thích. Bất chấp giao thông có điên rồ đến thế nào. 



Dù điền vào mọi tờ sơ yếu lý lịch rằng tôn giáo: Không, thì con người vẫn luôn có những tôn giáo và nghi thức thầm kín mà họ theo đuổi, những nghi thức cuộc sống mà chúng ta giãi bày 

một cách công khai hay bí mật, lặng lẽ hoặc huyên náo tuỳ vào tâm trí mình.



Đến đây thì tôi cảm thấy nghi ngờ “tấm lòng” của người tặng. Hẳn phải ghét tôi lắm, mới ràng buộc tôi với một nghi thức phiền toái, muốn cải đạo “vô tâm” của tôi thành một thứ đạo yêu cầu sự “có tâm” bằng một nghi thức ngây thơ đến chết người như vậy. 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến