Brand story trong ngành cưới có quan trọng không?




Trước khi bắt đầu bài viết, xin dành một giây quảng cáo cho vlog mới nhất trên
Youtube channel của Hạt Mềm
Kể chuyện là một trong những việc mà con người đã làm kể từ khi có lịch sử loài người, bằng mọi cách nguyên sơ nhất để lưu giữ lịch sử loài người từ những ngày đầu tiên. Tranh vẽ trên tường, những tập tục được truyền miệng qua cao dao hò vè, những câu chuyện dân gian về những nhân vật lịch sử,… là cách chúng ta nhận biết bản sắc của mình, là cách con người học từ quá khứ của mình để quyết định cho hiện tại và tương lai. Trong thời đại internet này, kỹ thuật hay mưu mẹo không còn đủ để thuyết phục người tiêu dùng tiêu hoá một thông điệp được nhồi nhét trong những đoạn quảng cáo 30s nữa, kể chuyện trở thành một phần không thể thiếu khi nói về thương hiệu. Trên thực tế, mình còn nghĩ rằng từ ngữ đã bị đánh giá rất thấp nên văn hoá đọc và nghệ thuật kể chuyện đã mất đi vị thế vốn có của nó trong suốt một thời gian dài cho đến khi một marketer nào đó hét lên CONTENT IS KING. Bạn có bao giờ tự hỏi Brand là gì, Brand story là gì, Branding chính xác là làm gì và nó liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ của bạn như thế nào. Liệu brand story có phải chỉ dành cho các thương hiệu lớn? 




Ví dụ, một chị nhiếp ảnh gia hẹn cafe với mình và hỏi ý kiến về việc xây dựng thương hiệu, nhờ mình chọn giúp logo và website template. Mình có thể chỉ ngay cho người chị một website template trông đẹp và đầy đủ chức năng chị cần. Nhưng ngoài ấn tượng đầu tiên về sự “hợp trend”, điều đó có đủ thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ của chị hay không? Không. Nhưng câu chuyện mà chị sẽ kể bằng từ ngữ, thông qua gặp gỡ trực tiếp, qua website và các kênh social media khác thì có thể. 


Rõ ràng, thương hiệu chưa bao giờ chỉ-là một logo hay một bảng màu. Trên thực tế, band story luôn nằm trong những gạch đầu dòng đầu tiên trong sổ tay xây dựng thương hiệu mà mỗi project mình làm, dù đó là đám cưới, hay chiến lược marketing cho các thương hiệu cưới mà mình tư vấn các bạn đồng nghiệp. Mình tự tin chỉ ra rằng: bất cứ ai trong số chúng ta cũng có khả năng tạo nên một cái gì đó đẹp, nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa, thống nhất, và có lợi cho kinh doanh là khi sản phẩm của bạn đem đến một cái giá trị vượt ra xa hơn là “Đẹp”. Đó là mục tiêu của brand story - qua sản phẩm, bạn kể chuyện cho khách hàng nghe và thuyết phục họ mua câu chuyện bằng cách mua sản phẩm. Câu chuyện là gì thì bạn phải đào sâu vào từng yếu tố cấu tạo nên thương hiệu của bạn: âm thanh, cách vận hành, sản phẩm và cách cung cấp dịch vụ..; các chi tiết thiết kế, từ ngữ, bảng màu và logo - chỉ là công cụ cho việc câu chuyện.



Cụ thể hơn, hãy đọc các ví dụ mình tổng hợp từ các dịch vụ khác: 



Chúng tôi không bán cà phê, chúng bán một tách nghỉ ngơi cho một ngày làm việc bận rộn
Chúng tôi không bán hoa, chúng tôi bán cảm giác của sự cẩn trọng và quan tâm được gói trong một bó hương thơm/màu sắc kỳ diệu
Chúng tôi không bán nến, chúng tôi đã bán một khoảnh khắc bình tĩnh và yên tĩnh vào cuối một ngày căng thẳng

Chúng ta có thể nói gì:
Chúng tôi không bán ảnh, chúng tôi bán ký ức về ngày quan trọng nhất cuộc đời
Chúng tôi không làm decor, chúng tôi hiện thực hoá gout thẩm mỹ của khách hàng

Khi bạn đang kể một câu chuyện, bạn không bán sản phẩm. Bạn đang bán một cảm giác, một lý tưởng về cuộc sống mà khán giả của bạn sẽ là một phần nếu họ mua nó, Brand story sẽ đứng sau mỗi tác phẩm mà thương hiệu của bạn xuất bản và đưa ra để công chúng chiêm ngưỡng. Brand story là sự khác biệt giữa một caption miêu tả chính xác bức ảnh bạn đăng và một caption chia sẻ nguồn cảm hứng đằng sau bức ảnh đó, lí do bức ảnh đó ra đời. 



Sau một thời gian theo dõi các bạn wedding photographers và decorators ở Việt Nam, mình nhận thấy rằng những ai có phong cách sản phẩm hoặc quy trình độc đáo rất dễ trở nên phổ biến với một tập khách hàng cụ thể; đây là những người không còn cần quá đặt nặng vấn đề branding nữa. Nhưng cũng có một nhóm khác cũng đạt được hiệu quả tương tự, một yếu tố nào đó trong cuộc sống của họ cho phép họ trở nên xuất sắc trong nghề và hấp dẫn trong mắt khách hàng tiềm năng: lối sống cá nhân, quan điểm xã hội, tính cách, network.. Tất cả đều là một phần của câu đố thương hiệu. Các bạn chỉ cần một cú hích nhỏ: một workshop, một đám cưới, một đối tác ruột, và bùm, phép thuật xảy ra, các bạn trở thành ngôi sao của mùa cưới năm đó. Đó là bước đầu tiên mà đa phần các bạn làm trong vô thức, từ kinh doanh/business thành brand/có thương hiệu. Lúc này, việc có brand story trở thành sống còn vì nó sẽ giúp thương hiệu của bạn sống lâu hơn xu hướng của mùa cưới năm nay và phát triển một cách bền vững qua cả những xu hướng mới ập đến vào mùa cưới năm sau. Kiểu như là nó sẽ quyết định xem các bạn có ở vị trí này vào mùa cưới năm sau hay không mà không chỉ dựa vào hoặc lạm dụng sale, promotion. 
Lỗi thông thường mà các bạn kinh doanh dịch vụ nhỏ và vừa ở VN hay mắc phải đó là lỡ có brand rồi mới nhận ra việc làm branding là cần thiết và luống cuống bắt tay vào làm. Thế thì brand, brand story cụ thể là làm những gì? Bắt đầu từ lúc nào? Làm như thế nào để không bị bỡ ngỡ khi bước vào giai đoạn này. 

Tất cả những chủ đề xuất hiện trên blog sẽ được làm mới trên kênh Youtube đấy,nếu thích những nội dung tương tự như trong blog này và trong lúc chờ bài viết tiếp theo, mọi người đừng quên ủng hộ kênh Youtube mới của mình bằng cách đặt các câu hỏi để mình được nói về chủ đề cưới nhiều hơn nữa nhéeee!!!
  





Nhận xét

  1. Hóng bài kế tiếp về chủ đề này của Hạt Mềm nhé ;)

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến